DẦU ĐỘNG CƠ DIESEL

1: THÀNH PHẦN NHỚT ĐỘNG CƠ DIESEL

Nhớt động cơ được pha chế từ hai thành phần chính:

  • Dầu gốc
  • Phụ gia

Dầu gốc là sản phẩm của dầu thô tinh chế. Để có được dầu nhớt, dầu gốc được pha với các chất hóa học (gọi là chất phụ gia) theo một công thức nhất định. Phụ gia được làm từ nhiều loại hóa chất có tính năng:

  • Khả năng tẩy rửa cao – để giữ sạch động cơ
  • Khả năng phân tán – làm cho các chất không hòa tan (hình thành trong khi động cơ hoạt động) lơ lửng trong nhớt và không đóng cặn ở động cơ.
  • Khả năng chống ô xy hóa – bảo vệ nhớt và chống ăn mòn động cơ
  • Bảo vệ động cơ – giảm sự mài mòn ở các bộ phận chuyển động trong động cơ.

2: KHÁC BIỆT GIỮA NHỚT ĐƠN CẤP VÀ NHỚT ĐA CẤP

Giống như các chất lỏng, nhớt sẽ thay đổi độ nhớt theo nhiệt độ. Độ nhớt thể hiện khả năng luân chuyển của nhớt. Độ nhớt càng cao thì khả năng luân chuyển càng kém. Độ nhớt giảm ở nhiệt độ cao và tăng ở nhiệt độ thấp. Điều này rất quan trọng, vì nếu nhớt quá lỏng thì sẽ không bảo vệ được động cơ nhưng nếu nhớt quá đặc thì bơm nhớt khó bơm được nhớt để bôi trơn động cơ.

Khi động cơ mới khởi động hay khi động cơ hoạt động liên tục, nhớt đều phải đảm bảo bôi trơn hoàn hảo cho động cơ. Nhớt đa cấp được đặc chế để giúp động cơ hoạt động ở hiệu suất cao nhất trong bất kỳ điều kiện nào. Loại này dùng tốt ở các nước ôn đới và cả những nước nhiệt đới như Việt Nam.

Độ nhớt của dầu động cơ ở những nhiệt độ khác nhau được Hiệp Hội Các Kỹ Sư Ô tô Mỹ (SAE) chia ra thành những cấp khác nhau. Các cấp SAE được thể hiện bằng số theo sau là chữ W đối với những độ nhớt ở nhiệt độ thấp (cấp nhớt mùa đông) để phân biệt với các độ nhớt ở nhiệt độ cao (cấp nhớt mùa hè). Ngày trước chỉ có nhớt đơn cấp được sản xuất. Có nghĩa là chủ xe ở các nước ôn đới phải dùng một loại nhớt đơn cấp cho mùa đông và loại khác cho mùa hè. Tuy nhiên, nhờ các nghiên cứu đã tạo ra loại nhớt đa cấp dùng cho cả hai mùa. Loại này được ký hiệu bởi hai cấp SAE như 15W-40, 20W-50…

Nhớt đa cấp cũng được các nhà sản xuất động cơ khuyến cáo sử dụng tại những nước nhiệt đới như Việt Nam, bởi vì loại này bôi trơn tốt ở cả hai điều kiện thời tiết nóng và lạnh. Nhớt đa cấp giúp động cơ khởi động dễ dàng ở thời tiết lạnh, đem lại lợi ích cho các chủ xe:

  • Giảm mài mòn động cơ, vì nhớt luân chuyển nhanh trogn động cơ cả khi động cơ còn lạnh.
  • Tiết kiệm nhiên liệu (giảm ma sát)
  • Giảm tiêu hao nhớt (nhớt vẫn giữ độ nhớt khi ở nhiệt độ cao)

Nhớt đa cấp có độ nhớt thỏa mãn ở nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau còn nhớt đơn cấp chỉ đáp ứng ở một nhiệt độ nào đó.

  • Nhớt đơn cấp: theo phân loại SAE có ký hiệu là SAE 40; SAE 50… thường được dùng cho các loại động cơ 2 kỳ, máy nông nghiệp, công nghiệp…
  • Nhớt đa cấp: theo phân loại SAE có ký hiệu là SAE 15W-40; 20W-50… thường được dùng cho tất cả các loại động cơ, thiết bị trong cả mùa đông và mùa hè.

Những số đứng trước chữ “W” dùng để chỉ khoảng nhiệt độ mà loại dầu động cơ đó có độ nhớt đủ để khởi động xe lúc lạnh.

Để xác định nhiệt độ khởi động theo ký tự này, bạn chỉ cần lấy 30 trừ đi các số đó nhưng theo nhiệt độ âm.

Ví dụ: dầu 20W-50 thì nhiệt độ khởi động tốt ở thiết tiết lạnh là -10°C (lấy 30 – số đứng trước chữ “W” là 20 thì bằng 10).

Đứng sau chữ “W” ở loại dầu đa cấp có thể là chữ 20, 30, 40, 50 hoặc 60. Đây là ký tự dùng để chỉ giá trị độ nhớt động học ở 100 độ C của các loại dầu nhờn động cơ.

3: BẠN ĐANG DÙNG LOẠI NHỚT NÀO?

Một đội xe bus, xe chạy đường dài, xe tải, xe ủi đất làm việc ở công trường cần các loại nhớt khác nhau. Các nhà sản xuất động cơ thường có sách hướng dẫn chọn loại nhớt phù hợp. Việc dùng loại nhớt nào thường phụ thuộc vào các yếu tố:

  • Loại nhiên liệu – ít Sulphur hay nhiều Sulphur
  • Loại động cơ – có Tuốc bô tăng áp hay hút khí tự nhiên
  • Mục đích sử dụng – vận tải nặng hay nhẹ

Các nhà sản xuất động cơ phân loại nhớt động cơ theo các tiêu chuẩn do chính họ và các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế quy định. Có ba tổ chức tiêu chuẩn các các tiêu chuẩn kỹ thuật của Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Các yêu cầu của những tổ chức này thường không hoàn toàn giống nhau.

Các tổ chức quốc tế:

API American Petroleum Institute (Viện Dầu Mỏ Hoa Kỳ)
JASO Japan Automobile Standards Organisation (Tổ Chức Tiêu Chuẩn Ô tô Nhật)
ACEA Hiệp Hội Nhà Sản Xuất Động Cơ Châu Âu

 

Tại Việt Nam, API được xem là tiêu chuẩn phổ biến, API phân loại nhớt động cơ Diesel thành nhiều cấp nhớt được thể hiện bởi hai ký tự, bắt đầu bằng chữ C. Những tiêu chuẩn này luôn được nâng cấp cho phù hợp các cải tiển của động cơ về công suất, kiểu thiết kế và những quy định về khí thải. Vì thế, các cấp nhớt cũ sẽ bị lỗi thời và được thay thế.

Những tiêu chuẩn của tổ chức ACEA ngày càng phổ biến đối với các động cơ do Châu Âu sản xuất.

Các cấp API đối với động cơ Diesel: CA, CB, CC, CD, CF, CF-4, CG-4, CH-4, CI-4, CJ-4, CK-4…

4: TẠI SAO PHẢI THAY NHỚT?

Nhớt động cơ phải được thay mới vì chúng sẽ dần mất đi khả năng bôi trơn, làm sạch và bảo vệ động cơ, bởi vì:

  • Dầu gốc bị xuống cấp
  • Các phụ gia hóa học hết tác dụng
  • Nhớt bị nhiễm cặn than sinh ra trong quá trình cháy

Việc thay nhớt tùy thuộc vào:

  • Khuyến cáo của nhà sản xuất

Các nhà sản xuất thường khuyến cáo nên thay nhớt sau quãng đường từ 5.000 đến 10.000km hay 250 giờ máy chạy.

  • Tình trạng động cơ

Phương tiện phải hoạt động nhiều và không được bảo dưỡng tốt cần phải thay nhớt thường xuyên hơn.

5: TẠI SAO CẦN PHẢI CHÂM NHỚT?

Trước khi đến thời hạn thay nhớt, bạn phải châm nhớt nếu mức nhớt xuống dưới mức minium của que thăm nhớt. Có nhiều nguyên nhân gây hao hụt nhớt:

  • Bay hơi

Khi động cơ hoạt động dưới nhiệt độ cao, các thành phần nhẹ trong nhớt bay hơi.

  • Động cơ bị rò rỉ nhớt

Dầu có thể thấm từ từ qua các mối nối ở động cơ mà mắt thường không nhìn thấy được.

6: NHỚT KÉM CHẤT LƯỢNG SẼ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NHIÊN HIỆU NĂNG LÀM VIỆC CỦA ĐỘNG CƠ?

Nhớt kém chất lượng sẽ gây ra những thiệt hại không nhìn thấy cho động cơ:

  • Cặn than đóng và xéc măng bị dính

Nhớt xấu không thể chống lại sự ô xy hóa, tạo cặn và đóng vào xéc măng. Loại nhớt này cũng không có đủ phụ gia tẩy rửa và phân tán để làm sạch và làm hòa tan các cặn carbon.

  • Ăn mòn

Nhớt kém chất lượng có ít các chất phụ gia chống ăn mòn để trung hòa các chất axit ăn mòn động cơ được tạo ra trong quá trình cháy của động cơ. Những chất axit này bắt đầu ăn mòn các phần kim loại của động cơ.

  • Mài mòn động cơ

Nhớt kém chất lượng không có các phụ gia cần thiết để làm giảm mài mòn giữa các bộ phận chuyển động trong động cơ, làm động cơ mau hỏng.

Trên đây là một số kiến thức về dầu động cơ Diesel mà PT Company sưu tập và học tập được muốn chia sẻ lại cho mọi người cùng tham khảo.

Để tìm hiểu về dầu nhớt các bạn có thể xem bài: DẦU NHỜN BÔI TRƠNĐỊNH NGHĨA DẦU GỐC